TTO – Một số nơi như sân bay, siêu thị… buộc khách hàng phải mang khẩu trang, thực hiện nghiêm túc quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 16-3, ngày đầu tiên thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, ghi nhận cho thấy người dân biết quy định và nhiều nơi đã chấp hành.
Liên tục nhắc phải chấp hành đeo khẩu trang
Từ 8h30-9h30, tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), hàng trăm hành khách tập trung ở các hàng ghế chờ, khu vực ga khởi hành đều đeo khẩu trang. Trưa 16-3 tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), hầu hết hành khách, nhân viên nhà xe, nhân viên bến xe cũng đều đeo khẩu trang.
Ông Nguyễn Tất Thành – giám đốc bến xe Giáp Bát – cho biết: bến xe thực hiện phát thanh 10 phút/lần để khuyến cáo hành khách tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, phòng chống dịch COVID-19. Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hầu hết người dân ra đường đều đeo khẩu trang để vừa phòng dịch bệnh vừa chống nắng nóng.
Tại TP Cần Thơ, người dân cũng tuân thủ khá tốt quy định mang khẩu trang ở những nơi công cộng.
Còn tại cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội), do nguồn cung khẩu trang khan hiếm nên sân bay không còn phát khẩu trang miễn phí cho mọi hành khách như trước nữa.
Thay vào đó, nhân viên an ninh hàng không sẽ quan sát hành khách, trường hợp khách không đeo sẽ nhắc nhở. Nếu khách nói quên mang hoặc không có khẩu trang sẽ phát khẩu trang và đề nghị hành khách đeo khẩu trang theo quy định.
“Phần lớn khách đến sân bay đều đeo khẩu trang. Chỉ có một số ít người nước ngoài đi các chuyến bay nội địa không đeo, nên việc nhắc nhở và phát khẩu trang chủ yếu với khách người nước ngoài” – đại diện cảng hàng không Nội Bài cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Saigon Co.op khẳng định đã dán quy định “khách hàng và nhân viên đến siêu thị phải đeo khẩu trang” tại 800 siêu thị của hệ thống này. Ngoài ra, đơn vị còn trang bị nước rửa tay diệt khuẩn và cử nhân viên túc trực đo thân nhiệt khách hàng.
Cứng rắn với người không chấp hành
Đại diện cảng hàng không Vân Đồn cho biết thực hiện chỉ đạo của nhà chức trách về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, đơn vị này đã yêu cầu 100% hành khách và người thân khi ra vào sân bay (đi máy bay hoặc đón, tiễn) phải đeo khẩu trang y tế và thực hiện khai báo y tế. Những khách không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối làm thủ tục hàng không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết: theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng là bắt buộc.
“Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chưa quy định phạt khách đi máy bay không chịu đeo khẩu trang. Trước mắt chỉ đạo các sân bay, hãng hàng không phát khẩu trang cho khách, nếu phát rồi mà không chịu đeo nghĩa là không chấp hành quy định của Nhà nước thì sẽ từ chối vận chuyển, từ chối phục vụ để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng” – ông Thắng cho biết.
“Nếu đo thân nhiệt cho kết quả trên 38 độ, siêu thị sẽ động viên khách hàng về nhà nghỉ ngơi. Trường hợp người tiêu dùng đến siêu thị nhưng không đeo khẩu trang, sẽ hỗ trợ khẩu trang vải kháng khuẩn hoặc có cách xử lý phù hợp để đảm bảo khách hàng vào siêu thị được sàng lọc” – đại diện Saigon Co.op khẳng định.
Thậm chí, theo đại diện của một hệ thống siêu thị tại TP.HCM, đơn vị đã lên những “phương án” như động viên đối với khách không đeo khẩu trang hoặc không chịu đo thân nhiệt, cả việc không tiếp khách hàng nếu có biểu hiện nghi vấn với Covid-19.
Vẫn kêu khó mua khẩu trang
Với người không đeo khẩu trang nơi công cộng, lý do thường được nói đến là không mua được khẩu trang. Tại Kiên Giang, ngày 16-3 ghi nhận tại các nhà thuốc, quầy bán dụng cụ y tế trên địa bàn cả 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều không còn khẩu trang y tế để mua.
Nhiều người dân chia sẻ, giờ muốn mua khẩu trang phải đặt qua mạng rồi chờ 2-3 ngày mới nhận hàng, mà cũng “hên xui” vì đơn hàng có thể bị hủy.
Chị Trần Thị Thanh, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá (Kiên Giang), chia sẻ nhờ có bạn thân kinh doanh nhà thuốc nên được chia lại 2 hộp khẩu trang y tế, nhưng giá bán phổ biến lên tới 8.000 đồng/cái. Không chỉ người dân mà lãnh đạo các cơ quan, đơn vị như: quản lý thị trường, y tế, kể cả công an, quân đội… vẫn không thể mua được khẩu trang.
Tại TP.HCM, hầu hết các nhà thuốc đều không có khẩu trang y tế. Người dân có thể mua với giá từ 300.000-400.000 đồng/hộp (50 cái khẩu trang). Theo lời một nhân viên cửa hàng thuốc ở quận Bình Thạnh, dạo này cửa hàng không nhập khẩu trang y tế mà chỉ thấy nhập về khẩu trang vải.
“Để mua 1 hộp khẩu trang y tế, chị phải nhờ bạn bè canh đặt mua online và giá 400.000 đồng/hộp. Trong khi đó, với khẩu trang vải tôi đang dùng có giá 200.000 đồng/3 chiếc. Sắp tới mình chuyển qua khẩu trang vải kháng khuẩn để kinh tế hơn” – chị Thùy Linh (TP.HCM) chia sẻ.
Người nước ngoài: được phát khẩu trang cũng không dùng
Dược sĩ… may khẩu trang
Thị trường khẩu trang quá khan hiếm, trong khi bệnh viện là nơi cần khẩu trang nhất, “trong cái khó đã ló cái khôn” khi đội ngũ nhân viên khoa dược của Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ tự may khẩu trang cho mình và cho nhân viên cả bệnh viện.
Cầm trên tay những chiếc khẩu trang trắng vừa lấy ra khỏi máy khử trùng, chị Trần Thị Thanh Trúc – phó trưởng khoa dược – cho biết thành quả hai ngày cuối tuần vừa rồi của cả tập thể nhân viên khoa dược là 1.600 khẩu trang.
“Khẩu trang vải có hình dáng như khẩu trang y tế, được may bằng chất liệu vải xô không thấm nước. Dù “sản xuất” nội bộ nhưng các đường chỉ may của từng chiếc khẩu trang rất tỉ mỉ, đẹp mắt và có tác dụng thực sự bảo vệ trước virus corona” – chị Trúc nói.
Dược sĩ Huỳnh Thị Hồng Yến, một trong những “thợ may” chính, cho biết may khẩu trang không khó nhưng phải là người biết may thì mới may đường chỉ đẹp và khít. “Trong khoa chỉ ít người biết may nên chị đảm nhận khâu ôm máy may đạp chỉ và vắt sổ, các khâu còn lại như cắt, dập khuôn hay cắt chỉ thì các anh chị khác làm” – chị Yến nói.
THÙY TRANG
TP.HCM cấp khẩu trang miễn phí cho học sinh
Theo Nhóm PV (tuoitre.vn)